Cổ phiếu của Cty CP Vạn Phát Hưng (VPH) đã liên tục tăng giá trong thời gian qua, đi ngược lại xu thế của ngành. Vì sao?
Tính theo giá đóng cửa ngày 9/3/2012, VPH đạt 6,8 ngàn đồng/CP, tăng tới 55% so với đầu năm, gần gấp đôi mức tăng của VN index (23%). Quan sát biểu đồ từ đầu năm thì VPH có 19 phiên giao dịch liên tục không giảm giá (từ 14/2 – 9/3) và 15 phiên giao dịch liên tục tăng giá (từ 20/2 – 9/3).
Xét về quỹ đất của VPH thì hiện nay VPH có khá nhiều lợi thế với quỹ đất sạch và chi phí đền bù giải tỏa thấp. Có dự án VPH triển khai đã chào bán được hơn phân nửa. Có dự án thì VPH mới đi vào triển khai thăm dò nên áp lực lãi vay là không lớn. Đánh giá hiệu quả hoạt động thì trong năm 2011, VPH ghi nhận lỗ 3,1 tỉ đồng trong quý 3/2011 nhưng lại lãi hơn 7,3 tỉ đồng trong quý 4/2011. Xét toàn bộ năm 2011 thì LNST của VPH vẫn đạt 8,5 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2011. Tuy nhiên, hệ số ROE trượt 4 quý gần nhất của VPH chỉ đạt 1,72%, thấp hơn so với ROE ngành là 6,37%. Trong khi đó hệ số ROA của VPH chỉ đạt 0,53% so với mức 2,58% của toàn ngành. Như vậy, xét về hiệu quả quản lý thì hiện VPH vẫn còn dưới mức bình quân của ngành.
Xét các chỉ số định giá thì với mức giá 6.800đ/CP của phiên giao dịch ngày 9/3 thì P/E của VPH là 22,4x, cao hơn so với P/E của Vnindex (khoảng 11,38x) nhưng thấp hơn rất nhiều so với P/E ngành (44,02x). Điều này cho thấy, mức giá hiện tại của VPH tuy chưa hấp dẫn so với nhiều mã của thị trường nhưng so với các DN cùng ngành thì mức giá này vẫn được xem là một lợi thế.
Xét về triển vọng thì đối với thị trường BĐS, thị trường vẫn tiếp tục xu hướng giảm giá và nhu cầu thị trường chưa cải thiện trong năm 2012. Nếu tình hình lạm phát được cải thiện và lãi suất giảm theo lộ trình của NHNN thì dự đoán thị trường BĐS sẽ bắt đầu có sự hồi phục nhẹ vào cuối năm. Áp lực lãi vay của Cty cũng không lớn lắm khi hệ số vốn vay trên tổng tài sản của VPH tính đến năm 2011 là 47% trong khi hệ số vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 110%, mức này vẫn được xem là khá tốt so với các DN cùng ngành hiện đang duy trì tỷ lệ đòn bẩy lên tới 4 – 5 lần vốn chủ sở hữu.
Theo các nhận định trên cho thấy việc VHP tăng rất mạnh giai đoạn qua được hỗ trợ bởi 3 yếu tố. Một là giá thời gian qua đã xuống quá thấp đối với 1 DN có thực lực như VPH; hai là VPH có những quỹ đất có thể tạo lợi nhuận cao trong tương lai một khi BDS hồi phục; ba là VPH có thể trong tầm ngắm M&A khi giá xuống quá thấp nên nhà đầu tư mua theo để ăn theo sóng. Như vậy, với những nhà đầu tư trung hạn thì việc tiếp tục nắm giữ CP VPH là có cơ sở; còn đối với nhà đầu tư lướt sóng thì áp lực quay đầu theo tình hình chung của thị trường cũng như những quan ngại về khó khăn BDS còn kéo dài hết năm nay sẽ khó tạo lực tăng tiếp trong giai đoạn hiện nay. Do vậy có thể xuất hiện đợt sóng bán mạnh để chốt lời với những nhà đầu tư đã kiếm lợi hơn 20%, theo đó CP VPH có thể giảm từ 10 – 20% giá trị trong đợt thị trường quay đầu vào giai đoạn cuối tháng 3/2012.
Trần Chấn
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.